Có thể phân loại mụn thành:
- Mụn trứng cá bao gồm: mụn ẩn, mụn viêm, mụn đầu đen, mụn đầu trắng.
- Mụn đinh râu.
1. Mụn đầu đen và mụn đầu trắng (Closed comedone and Open comedone)
Đều do bụi bẩn, tế bào chết và dầu nhờn bít tắc trong lỗ chân lông tạo thành. Trồi lên khỏi bề mặt da, tạo bề mặt da gồ ghề. Không có hồng ban xung quanh vì không có quá trình viêm do P.acnes. Điểm khác biệt duy nhất là mụn đầu trắng không làm lỗ chân lông mở mà nó chỉ làm tắc. Vì vậy nó không bị tiếp xúc với không khí, không bị oxy hóa nên không đổi màu. Còn mụn đầu đen có sự tiếp xúc giữa nhân mụn và không khí nên sẽ bị oxi hóa, khiến đầu mụn có màu đen.
2. Sợi bã nhờn
Sợi bã nhờn là một thành phần thiết yếu của da và được cấu tạo bởi các tuyến bã nhờn. Chúng được tìm thấy trong các nang lông và có thể thấy trên bề mặt da với những chấm li ti màu trắng ngà hoặc xám. Cấu tạo gồm lipid bã nhờn và tế bào chết xung quanh nang lông. Chúng ta sẽ dễ nhầm lẫn sợi bã nhờn với mụn đầu trắng. Nhưng sợi bã nhờn thường nhỏ li ti, hay mọc thành cụm và khi nặn ra thì nó là những sợi nhỏ, dài và trắng (chứ không có nhân cứng và ngắn như mụn đầu đen hay đầu trắng). Sợi bã nhờn tập trung chủ yếu ở các vị trí như mũi, cánh mũi, phần da ở trên và dưới hai môi.
3. Mụn ẩn
Tương tự như mụn đầu trắng, mụn ẩn cũng sẽ không trồi lên mặt da. Chúng sẽ khiến bề mặt da gồ ghề, sần sùi, không có hồng ban xung quanh mụn. Nhưng mụn ẩn có vị trí nằm sâu hơn mụn đầu trắng, và có nguy cơ tiến triển thành mụn viêm nếu có sự tăng sinh của vi khuẩn P.acnes cũng như các loại vi khuẩn yếm khí khác.
4. Mụn viêm
Là một sang thương có quá trình viêm thường do vi khuẩn P.acnes tăng sinh tại vị trí đã có nhân mụn trước đó, sang thương là sẩn hồng ban, to nhỏ tùy mức độ viêm, tiến triển dần đến giai đoạn hóa mủ, có thể có cảm giác đau khi sờ vào. Mụn viêm có thể lan tỏa sang các khu vực lân cận nếu vi khuẩn gặp điều kiện thuận lợi. Và đây là loại mụn để lại sẹo lõm.
5. Mụn đinh râu
Có hình thái tương tự mụn trứng cá. Căn nguyên chính của bệnh đinh râu là nhiễm trùng, thường gặp là do nặn mụn trứng cá (nhất là trứng cá nằm sâu dưới da) ở vùng hàm - mặt với bàn tay, dụng cụ bẩn, không vô khuẩn. Ngoài ra còn do nhọt tự nhiên mọc lên bởi từ một vết xước, vết nặn mụn bình thường ở vùng quanh môi, cằm rồi bị bội nhiễm vi khuẩn gây bệnh (tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn kỵ khí...). Hầu hết chỉ xuất hiện trong phạm vi quanh môi, mép, cằm.
Mụn đinh râu có 3 giai đoạn:
- Giai đoạn một: sang thương là sẩn hồng ban, đau nhức rất nhiều, xuất hiện mưng mủ và có ngòi như đầu chiếc đinh.
- Giai đoạn thứ hai, đinh râu thành ngòi và hóa mủ.
- Giai đoạn thứ ba là thoát mủ, thoát ngòi và lành thành sẹo.