Điều đầu tiên các bạn cần ghi nhớ là việc lấy nhân mụn không đúng cách, không vô khuẩn sẽ để lại rất nhiều tai biến: bội nhiễm vi khuẩn, áp xe hóa, nhân mụn bị sót lại và tạo thành sẹo xơ, hoặc để lại máu bầm và vết thâm rất lâu sau đó. 

Như vậy thì với trường hợp bị tụ máu bầm thâm tím, thì trước hết các bạn cần đến các trung tâm chăm sóc da để bác sĩ da liễu thăm khám tình trạng da. Bác sĩ sẽ nhận định đây chỉ là tụ máu đơn thuần, hay đã có kèm quá trình viêm, hay hóa mủ, nghĩa là có sự tăng sinh vi khuẩn hoặc bội nhiễm vi khuẩn thường trú, vì máu là môi trường cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển của chúng.

Bác sĩ giải đáp nặn mụn bị tụ máu bầm thâm tím nên làm gì

Nếu chỉ là tụ máu đơn thuần, thì nhân viên y tế sẽ trích máu và lấy sạch máu bầm và mủ (nếu có) bằng dụng cụ vô khuẩn, sau đó sát khuẩn bằng thuốc. Nếu bác sĩ đánh giá có nguy cơ nhiễm khuẩn vùng đã tụ máu, thì bạn sẽ được chỉ định kháng sinh bôi hoặc uống tùy vào mức độ. 

Sau khi giải quyết khối máu tụ, theo dõi từ 3-5 ngày. Chắc chắn một điều rằng sau khi khối máu tụ biến mất thì sẽ để lại vết thâm màu nâu hoặc đỏ, bởi vì sau quá trình viêm sẽ có sự tăng sắc tố sau viêm.

Khi ấy đối với các vết thâm này chúng ta phải dùng kem chống nắng mỗi 2 tiếng/lần vào ban ngày, và kèm theo đó là dùng các sản phẩm bôi ban đêm chứa các thành phần vitamin C, acid kojic, acid azelaic, arbutin,… để làm mờ vết thâm nhanh chóng, trả lại một làn da khỏe đẹp.